Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Học hát dân ca

THẰNG TOÀN ( 3 )

Bấy nhiêu năm rồi, vẫn nhớ ! Lính trong tiểu đội làm gì đều biết cả, mình không làm căng, nhưng cũng phải nhắc nhở anh em cẩn thận vì đã có vài ông trong Trung đoàn phải đi viện điều trị bệnh lậu. Chứ chuyện yêu cấm cũng chả được, trời đất sinh ra trai, gái là để cho họ yêu nhau, nó tự nhiên như thở mà, bắt họ tu mãi sao được, chân chính nỗi gì ?
Chuyện yêu đương của anh em đơn vị cũng đủ màu, đủ sắc. Có mối tình rắc rối đầy phiền toái đấy nhưng cũng có những mối tình sâu nặng lắm.
……
Nhớ Toàn, lại nhớ chuyện cái bao tải.
Ngày mới giải phóng ở làng Triều Sơn Đông chẳng nhà nào có nhà cầu, lính mình trên rừng xuống không biết giải quyết đầu ra thế nào, bí lắm ! Sáng ra để ý mới biết, dân Triều Sơn Đông giải quyết chuyện này đều trên con sông Hương thơ mộng xanh mát ấy. Lạ là ăn uống, tắm giặt tất tật đều trên dòng sông đó bao năm nay mà chưa thấy bệnh dịch gì. Nói chuyện, thuyết phục dân thì họ nói thế, nhưng không sớm thì muộn việc ăn uống và thải cùng trên một dòng nước như thế cũng có ngày bệnh dịch nó đến. Đại đội thấy vậy, tổ chức cho anh em vận động các nhà làm cầu tiêu. Dân vùng mới giải phóng nể bộ đội lắm, chẳng cần vận động gì nhiều, họ làm ngay. Cách làm cầu tiêu vẫn theo truyền thống của bộ đội trên rừng, là đào hố, lát cây cây que chừa ra một lỗ vừa tầm xạ kích, rồi trải lá lấp đất lên. Nhưng lá cây ở đồng bằng không sẵn như trên rừng, đang bí thì Toàn lấy đâu được cái bao tải to mang về, tốt rồi ! Bọn mình hoàn thiện công trình một cách chóng vánh, không chỉ tốt mà còn đậm tính mỹ thuật nữa.
Chiều đến, nghe bên nhà chị Mướp quát mắng con ầm ĩ, mình chạy sang thấy con Ánh ngồi thu lu trong góc nhà mặt lì ra chịu đựng. Hỏi chị Mướp thì biết cái bao tải phơi ngoài bờ dậu sáng ngày không cánh mà bay, con Ánh ở nhà để xảy chuyện nên bị mắng. Mình ngờ ngờ cái bao tải của Toàn, quay về hỏi nó, nó thừa nhận đã lấy ở bờ rào nhà chị Mướp, nhưng nó bảo : “ Con Ánh nó biết ! “
Thế là rõ ! Mình chạy sang nhà chị Mướp :” Chị ơi ! Thằng Toàn nó không biết là bao tải của chị, nó lỡ lấy, chị đừng mắng Ánh nữa “ .
Chị Mướp dịu lại thì con Ánh oà khóc, khóc nấc nghẹn . Mình ngồi xuống quàng ôm vai nó dỗ dành cho đến khi tiếng nấc lim đi. Ra bàn nước mình nói với chị Mướp : “ Em xin lỗi chị ! Mai em cho anh em mua lại cho chị “.
Chị Mướp bảo:” không cần phải thế, các chú cần cứ lấy dùng chị không tiếc, chỉ giận con Ánh trông nhà mà ham chơi “
Mâm cơm trên chiếu ở trái nhà đã nguội lạnh, mấy cọng rau lang luộc đen tím lại rồi mà lũ trẻ vẫn chưa dám ngồi ăn. Cơm chỉ có rau lang và mắm ruốc, nhìn mâm cơm mà não ruột, biết làm sao được, chồng là phản động đang đi cải tạo, một mình chị lo 6 miệng ăn trong lúc này là vô cùng khó khăn. Năm đứa trẻ, đứa lớn mới 14 tuổi, đứa bé chưa đầy năm, không biết chị xoay sở ra sao để sống ?
_ Thôi ! Chị cho các cháu ăn cơm đi, nguội hết cả rồi. Còn Quang, sang ăn cơm với các chú.
Thằng bé bám lấy cổ mình đòi đi ngay….Từ đấy thằng Quang không rời mình nữa, nó nhập vào tiểu đội mình luôn. Thế là bộ ba tụi mình hình thành từ đó, chị Mướp có muốn tìm con chỉ việc tìm mình hay Toàn là thấy. Tổ tam tam tụi mình thường ngủ ngoài hiên nhà, giăng màn một đầu vào hàng cột hiên, một đầu buộc vào khẩu DK82. Một lần, sáng dậy gỡ màn, lúng túng thế nào mình và Toàn làm đổ khẩu DK, thằng Quang khóc ré lên. Hai thằng cuống quýt bế nó chạy sang nhà quân y cầu cứu. Chân nó tím bầm, kiểm tra thấy xương không sứt mẻ gì, thật may ! Từ đấy mình và Toàn càng thương thằng bé, đi đâu cũng cho theo.
Mình trở nên thân thiết với mọi người trong nhà chị Mướp, mỗi lần sang chơi, Ánh, Rạng, Quang, Quyền, lũ trẻ xúm lại ríu rít đủ chuyện làm mình nguôi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng những ngày ở Triều Sơn Đông không nhiều, lính mà ! Mình lại đi, lại rong ruổi đến những vùng đất mới.
Đại đội nhận pháo 57 ra Cửa Thuận, đưa pháo lên cồn cát làm trận địa chĩa ra biển. Sống bên kia Phá Tam Giang cùng ngư dân được ăn nhiều cá nhưng rau ít và cực hơn. Nước ăn thì đủ nhưng nước tắm thì phải tằn tiện, cát trên cồn, cát trong làng, đi đâu cũng gặp cát.
Ở chưa ấm chỗ đã có dân Triều Sơn Đông sang thăm. “ Đi dân nhớ, ở dân thương” mà, nghe oai vậy chứ toàn các O thôi. Bốn, năm O lận, người hộp sữa, người chục trứng, quà bánh tíu tít. Mới biết lính mình đa tình thật, chuyện O Huê độ nọ mới chỉ là phần nổi. Trong đoàn có cả Ánh, tất nhiên là nó thăm mình và Toàn. Quà Ánh mang theo là chục trứng gà gói trong chiếc khăn tay, còn hộp sữa ông thọ, Ánh bảo của O Hoa gừi. Bất ngờ quá ! O Hoa này rất ít tiếp xúc với lính, mình hay sang nhà chơi với ông bố O vì mê cái xe 67 của ổng, thỉnh thoảng cũng có đôi câu chuyện nói với O. Thấy O trầm tính vẻ kín đáo mình cũng chẳng dám chuyện nhiều, vậy mà hôm nay có quà O gửi, làm mình cũng sướng lâng.
Ánh đi thế này chắc phải trốn mẹ rồi, tuổi 14 chớm kệp kê, nửa người lớn, nửa trẻ con theo các đàn chị trong xóm đi thăm lính chắc cũng muốn làm người lớn đây. Nhưng đến nơi thì các O, các chị đã có mục tiêu, họ đi đằng họ, ở trận địa chỉ còn lại Ánh với tụi mình. Ba chú cháu chuyện trò và ngắm biển suốt một chiều. Nhiều lúc thấy Ánh như một thiếu nữ, buồn dịu lặng lẽ, ưu tư rất Huế, hẳn trong ưu tư ấy cũng nhiều ước mộng.
Nhìn gương mặt sáng tươi và làn tóc hoe vàng vì nắng của Ánh, mình nghĩ khổ trước sẽ được sướng sau thôi. Cô bé lọ lem này không lâu nữa sẽ trở thành nàng công chúa, một cuộc sống tươi đẹp hanh phúc sẽ đền đáp cho nó, cho những vất vả hôm nay phải chịu. Mình luôn tin thế, tin số phân Ánh sẽ được như những gì nó ước mơ..
Năm 2003 mình trở lại Huế, về Triều Sơn Đông thăm lại mọi người. Ngôi nhà nhỏ ven sông của chị Mướp còn đó mà thiếu vắng bóng người.
Ánh không còn nữa, em đã xa rồi ! không có hoàng tử nào đón em trong cuộc đời này cả. Chỉ có tai ương, nghèo khó bủa vây em, rồi cuốn em đi mãi… Xót xa, mình thắp nén nhang cho Ánh, cầu cho em, một kiếp người ngắn ngủi cơ cực mãi được thanh thản nơi chín suối.
Căn nhà chị Mướp vẫn như xưa, trái nhà quay ra sông được thằng Quyền cơi ra làm quán bán tạp hoá qua ngày. Ở lại Huế chỉ có Quyền, Rạng và con bé út, chị Mướp theo thằng Quang lên Đà Lạt làm vườn. Nhìn cảnh nhà thì biết cái nghèo còn đó.
Ở lại ăn cơm với Quyền, Rạng trong căn nhà cũ, ngó nhìn tấm bằng bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của bà Ngoại chúng nó treo trên vách, nghĩ mà đau, đau cho kiếp sọc dưa ở đời.
Năm ngoái cùng lão Quang, lão Chiến về lại Triều Sơn Đông, chỉ gặp Quyền và bé út. Cái Rạng lại bỏ Huế, mấy mẹ con kéo nhau lên Đà Lạt bán bánh dạo ngoài đường cho du khách.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

THẰNG TOÀN (2)

Hồi đó, lúc nào Toàn cũng đi với mình nên anh em gọi đùa Toàn là liên lạc của tiểu đội trưởng. Họ đùa thế cũng chẳng sai vì bản thân mình làm gì, đi đâu, khi phân công việc trong tiểu đội bao giờ cũng để Toàn đi với mình, ngay cả chuyện gác xách cũng vậy, bao giờ hai thằng cũng gác một ca.
Nhớ lại mà buồn cười cái chuyện cu cậu không biết xem đồng hồ. Tiểu đội mình có nhiệm vụ gác mé bờ sông, áng chừng sắp hết giờ mình bảo Toàn vào ngó cái đồng hồ nhà anh Thẩm vẫn treo ở gian giữa cạnh bàn thờ, xem mấy giờ rồi. Toàn vào rồi ra nói là : sắp hết giờ rồi.
- Sắp là bao nhiêu phút nữa ? Mình hỏi lại.
Ấp úng mãi, Toàn mới nói là không biết xem đồng hồ. Mẹ khỉ ! Thế mà không nói để mình vào cho xong.
Cũng lại chuyện gác đêm, có hôm chỉ mỗi Toàn gác, còn mình thì nhảy xuống thuyền cùng anh trai O Huê đi đâm tôm dọc ven bờ sông Hương. Anh trai O Huê mình chẳng nhớ tên, chỉ biết anh ta là lính sư 1 VNCH mới trình diện về, ban ngày cứ vật vờ như cái bóng vì mặc cảm. Chưa biết kiếm gì để sống nên cứ tối đến là xuống thuyền đi soi tôm kiếm chút thức ăn đỡ cho gia đình. Mình theo đi đâm tôm cũng vì tò mò, đi cho vui, chứ đâm như mình năm bảy nhát mới được một con tôm còi thì đâm gì, nên sau đó chỉ ngồi xem họ làm, ngắm cảnh sông nước và trò chuyện.
Đấy cũng là lần đầu anh O Huê và mình, hai thằng lính từ hai chiến tuyến nói chuyện với nhau một cách thoải mái, đến độ khi về anh cứ nằng nặc mời mình về nhà bằng được để nhậu.
Đêm ấy, ngoài hiên nhà hai thằng kà kê bên xị rượu đế và mấy con tôm nướng. Rượu vào khoảng cách như gần lại, anh O Huê dốc lòng tâm sự, những nỗi buồn và lo lắng về tương lai của người lính bên thua trận đều được nói ra, anh cũng dự đoán một tương lại không lấy gì làm sáng sủa và sẵn sàng chấp nhận nó…Nhiều chuyện lắm, nhưng mình thì làm được gì, chỉ biết động viên anh ấy, tin tưởng vào chính sách của Mặt Trận. Nghĩ lại, lúc ấy cứ nói đại vậy chứ mình có thuộc chính sách đâu mà ra vẻ như là chính trị viên ấy… Rồi sang chuyện O Huê, em gái anh cũng làm anh buồn bực, bức xúc, anh dãi bày cũng mong mình thông cảm cho những chuyện vừa xảy ra.
Chả là mấy đêm trước, có chuyện O Huê uống thuốc rầy tự tử. Làm mọi người trong làng và đơn vị mình nháo nhác, phải đưa O Huê đi bênh viện TW Huế cấp cứu. Nguyên do cũng từ chuyện trai gái mà ra, O Huê là cô gái đến tuổi cập kê và sắc nét nhất làng nhưng cũng lẳng lắm. Các cô gái khác trong làng hầu hết đều thay đổi cách ăn mặc từ ngày Huế giải phóng, ít loè loẹt và kín đáo hơn, họ sợ bị bộ đội và chính quyền mới đánh giá. Riêng O Huê thì không, vẫn diện, vẫn cứ bộ đồ hoa mỏng dính (vải xoa hay KT gì đấy) , mờ mờ lộ nội y kêu gọi lắm, làm lính ta mắt tròn mắt dẹt. O lại mau miệng, dạn giai nên thường vẫn chuyện trò với lính tình tứ lắm. Lính bọn mình trên rừng xuống thấy gái mau miệng điệu đà là như mèo thấy mỡ cũng xoắn lại liền. Mình bắt gặp thằng Quán trong tiểu đội mấy lần rủ O Huế ra vườn chuối sau nhà, Chúng nó làm gì thì mình chịu, ai mà để ý làm gì.
Đùng cái lại thấy O Huế thâm thụt với anh V, CTV đại đội mình. Rì rầm thế nào lan ra thành to chuyện, anh V bị kiểm điểm và điều đi nơi khác. Cả làng biết, nhiều người trong làng cứ nói vì O Huê mà ông V chỉ huy đơn vị bị kỷ luật, rồi bị đi đâu không biết. Nhiều người thấy tội cho cán bộ V và trách móc O Huê. Ông anh O Huê cũng vậy, xỉ vả em gái mình là lăng loàn, không biết có thượng cẳng chân hạ cẳng tay hay không mà làm O uất quá, quyết uống thuốc rầy tự tử. Tối hôm ấy, mình với Toàn chạy đến, thấy O nằm ngoài sân, bọt mép sùi ra trông hãi lắm, cứ nghĩ O chết đến nơi rồi. Mà sao cái O này dại thế, hoà bình rồi lại không muốn sống.
Lần gặp ông bạn Quang ở Yên Bái, nhắc chuyện O Huê mới biết , O chả dại uống thuốc rầy làm gì cho phí đời, đấy là O doạ mọi người, doạ ông anh khó tính của mình thôi. Ông bạn Quang kể rằng : hôm ấy lão ( ?) y tá đại đội ngược xuôi tất bật thật đấy, đưa O Huê ra viện, về cũng im chẳng nói gì. Lão (?) y tá đã có vợ rồi nên tinh lắm, lão đưa tay sờ thử chỗ cạp quần O thì O rúm người lại, phản ứng như vậy chỉ người tỉnh mới có, nhưng kệ ! Lão cứ tống O lên viện cho nhẹ gánh, đỡ trách nhiệm.… Đúng là O Huê không ở viện lâu, chỉ vài hôm là về, trông vẫn mượt mà, vẫn lẳng như ngày nào, có thoáng buồn chút chút vì anh V, CTV của tụi mình không còn ở làng nữa.
Thế mà đêm ấy làm mình và ông anh o Huê cứ phải tâm sự buồn, cứ phải ngất ngư chia sẻ, hết tôm, hết rượu rồi say khướt. Thằng Toàn cũng khổ lây, phải ngồi “ hầu rượu “ rồi lại dìu mình về.

THẰNG TOÀN (1)

Phải đến lần thứ hai lên Đắc Lắc mới hẹn gặp Toàn.
Lần đầu vì đi theo đoàn không chủ động được thời gian nên không muốn gọi nó, sợ rằng biết mình lên mà không gặp được nhau lại làm nó áy náy. Mấy năm trước, khi nó về quê, gặp mấy thằng đồng ngũ xin được số máy của mình, nó gọi cả chục lượt trong ngày, mới biết nó nhớ mình, nhớ những ngày cùng sống với nhau ở Trị Thiên. Mình cũng vậy, nhớ nó lắm và, rất mong dịp nào vào Đắc Lắc để cùng nó chuyện trò cho nguôi.
Nhớ mùa mưa 1974, sau những trận đánh ở Ô Lâu mình được cử ra nhận và học pháo ở Quân Khu. Đến Do Linh thì gặp Toàn trong số anh em lính mới bổ xung về trung đoàn nhưng được giữ lại học pháo cùng mình. Khi ấy mình mới 20 tuổi nhưng đã 2 năm lính chiến trường nên làm tiểu đội trưởng. Toàn cùng gần chục anh em nữa, đều dân Quảng Xương, Thanh Hoá ở tiểu đội với mình. Họ đều mới 18 tuổi tròn vừa xong 3 tháng huấn luyện là vào chiến trường. Gốc nông dân, ngư dân cả nên anh nào trông cũng khoẻ mạnh rắn giỏi. Duy chỉ có Toàn, nhỏ con, học hành cũng thường thường bậc trung nên mình chẳng mấy chú ý tới nó. Học xong về đơn vị vẫn thế, anh em chưa có gì thân thiết như sau này. Chỉ đến trận đánh Phổ Lại, trong lúc pháo hai bên bắn nhau ầm ầm, đang mải quan sát chỉ huy anh em bắn các mục tiêu theo phương án tác chiến ban đầu, thì Toàn dúi vào tay mình cái điện thoại.
- Phong Quảng ơi ! Bỏ qua các mục tiêu, bắn thẳng vào khu A.
Trong máy, tiếng anh Tầm hét toáng lên, rối rít làm mình sực tỉnh, chuyển mục tiêu cho bắn cấp tập lên đỉnh đồi, mình thoáng nghĩ về Toàn : thằng này hay !
Trận đánh kết thúc, ngồi ngẫm, không nhờ Toàn chắc mình đấm lưng bộ binh rồi, lại thấy mình chưa tròn vai anh khẩu đội trưởng cho lắm. Đúng là làm lính pháo mình cũng chỉ là anh tân binh.
Sau khi rút kinh nghiệm trận đánh, mình giao luôn cho Toàn nhiệm vụ canh điện thoại. Những trận đánh sau Toàn ít khi rời nó, cứ lúc lại quay quay kiểm tra đường dây, phát hiện đứt là báo mình cử người đi nối. Cũng từ đấy mình và Toàn luôn bên nhau từ rừng xuống biển, cho đến ngày mình ra Bắc ôn thi đại học.
10 tháng sống bên nhau chưa nhiều nhưng là lính cùng nhau trải qua những ngày chiến dịch, cùng những bi hài trong từng trận đánh làm sao quên. Hôm nay hẹn gặp Toàn, chẳng khi nào nghĩ lại ở trên đất cao nguyên này. 36 năm là cả quãng thời gian dài, mỗi thằng mỗi ngả cuộc đời, mưu sinh xô đẩy, liệu thời gian có làm biến dạng nó nhiều không ? Liệu mình có nhận ra nó không ?
Ngồi ở sảnh Khách sạn ĐamSam đợi nó bên li café đắng ngọt nghĩ về thằng em, người đồng đội xưa.