Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

THẰNG TOÀN (4)

Mình nhận ra Toàn ngay khi cậu ấy còn đang ở bãi gửi xe của khách sạn. Bấy nhiêu năm vẫn thế, vẫn chúm chím cái miệng mỗi khi cười, mà rất hay cười, nhiều khi mình phải hỏi : “ Mày cười gì thế ? “. Chẳng nói, đáp lại mình vẫn chỉ một nụ cười, thế đấy ! Người đậm hơn, tóc đã điểm bạc, ngoài 50 rồi ai chả thế.
Tụi mình kéo nhau ra một quán nhậu nhỏ gần khách sạn. Ngoài trời đổ mưa, rả rích kéo dài suốt buổi tối, trong quán vắng hai thằng vừa uống, vừa chuyện.
Ai phải phiêu bạt xa xứ cũng đều vì mưu sinh cả, việc Toàn bỏ quê lên đây cũng vậy nhưng không nghĩ hoàn cảnh lại cơ cực đến thế. Mình lại nhớ “ Cái đêm ấy đêm nào ?” trong phóng sự của Phùng Gia Lộc. Quả là lúc đó cũng đã dập rình một nạm đói. Hoàn cảnh nhà Toàn cũng như nhiều hộ nông dân xứ Thanh khác, thiếu, đói và nợ nần…Toàn phải ra quân sau 2 cuộc chiến, để rồi bước vào cuộc chiến mới : cứu đói cho gia đình. Theo người làng vào Quảng Nam đào vàng, mấy tháng trời tích được hai chỉ vàng cám. Kết quả ấy thật không tương xứng với nhưng gian khó, nguy hiểm của công việc. Bán hết số vàng, mua được mấy chục ký gạo gửi về nhà, Toàn lang thang vô vọng. Mò lên Đắc Lắc cầu cứu con em gái đang dạy học, tính xin nó ít tiền mang về cho các cụ, chẳng ngờ, Đắc Lắc nó lưu Toàn lại cho đến hôm nay…
May mắn nhiều lắm! Không chỉ vì đất cao nguyên rộng và màu mỡ mà cái chính là có những thay đổi trong tư duy kinh tế. Mọi người không kiên định nổi với nền kinh tế kế hoạch hoá XHCN nữa rồi. Ban đầu là khoán chui trong nông nghiệp, là nới lỏng giao thương rồi cho phát triển các thành phần kinh tế .v.v.
Đến hôm nay không thấy ai nhắc đến “ Kiên định đi lên CNXH”, không thấy ai bàn về “ Làm chủ tập thể “ nữa, mà có nhắc đến thì người ta kèm thêm hai chữ “định hướng”, mình hiểu có đi chệch choạc tí cũng không sao (?), cũng không bị các tiền nhân quở trách.
Nghĩ lại những khẩu hiệu cửa miệng ngày đó, mình thấm và nhớ lắm !
Nhớ năm 1980, đi coi thi trong Nghệ Tĩnh, thấy dân khổ lắm, nhiều nơi một bữa ăn khoai lang luộc với cà pháo, bứ họng thì uống nước chè xanh. Bấy giờ ở Nghệ Tĩnh người ta hay nhắc đi nhắc lại câu của một bác cán bộ tỉnh, đại khái là : Người Nghệ Tĩnh đi lên CNXH từ mo cơm với đọi cà _ Nghe thật ý chí, thật quyết tâm. Mấy năm sau “ mo cơm trắng không độn “ cũng là cái nhiều người trông đợi. Cái khổ không chỉ lính biên cương hay nông dân đầu tắt mặt tối, mà ngay cả những công chức các tỉnh thành cũng khổ. Hà Nội, hôm nào xếp hàng được cô mậu dịch viên ưu tiên cho mua 3 mớ rau muống già là mừng quýnh. Về thế nào cũng được vợ khen là trai đảm, vui đến nỗi mà vừa đạp xe vừa hát :” Cho ngày nay, cho ngày mai, cho 3 ngày sau…”. Ôi , cái thời bao cấp đã xa nhưng khó quên !
Thôi, chẳng nghĩ suy gì nữa! Hôm nay được thế này là phước lắm rồi. Toàn đã có nhà với vài ha café, mừng nhất là con cái đều đại học cả, một đứa đã đi làm ở Sài Gòn.
Lại uống, lại chuyện và bao giờ cũng thế, lính gặp nhau là chuyện xưa nhắc lại, nó thành “ bệnh” rồi, cái người ta vẫn gọi là “ Hội chứng chiến tranh ”.

4 nhận xét:

Đỗ nói...

Phước cho thằng Toàn không theo "định hướng CNXH".

Lana nói...

Bác Đỗ nhá, tư tưởng dao động nhá, đi ngược tiến trình đi lên CNXH nhá.
:)

Việt nói...

Kiên định như Lana để hàng ngày bắt chồng xếp hàng mua rau muống, để 3 ngày lại ký một bằng khen tặng chồng.

AK7 nói...

Chuyện xưa bị đụng xe Brô,cái xe hay chở khách loại nhỏ ấy.Khi kiểm tra giấy tờ của chú tài,chú nhăn nhó nói:Em chỉ có mỗi cái giấy này.Nhìn kĩ thì hóa ra là giấy chứng minh thư quân nhân.Hỏi:Trước cũng ở lính ah?Dạ em lính Tây nguyên,sau về 779.Giờ về lái xe cho ông chú khi chưa tìm đc việc làm.Cuối cùng để chú ấy lái xe đi với lời dặn lái xe cẩn thận,còn mình dắt xe đi sửa.
Sau chiến tranh rất nhiều số phận của người lính bị quên lãng.