Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

CHÁU NGẠI


TỰ HÃO TÝ !
Mới hơn 2 tuổi mà cháu tui đủ trình để tham gia bình chọn cho Hạ Long đấy ! Mình phục cháu mình quá !








Tối rồi, về nhà nhanh kẻo mẹ phạt

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

THẰNG CÔNG

Cả khu tập thể mình ai cũng biết Công và coi nó như người trong xóm. Công đánh giày, Công xe ôm, giờ này có người gọi Công taxi, người ta gọi nó theo những thăng tiến của " sự nghiệp". Riêng mình thế nào cũng chỉ gọi: Thằng Công.
20 năm trước, nó là chú bé đánh giầy, ngày ngày vẫn đến dãy kiot phố mình cùng lũ trẻ lang thang đường phố. Sáng ra, lũ trẻ không biết ở đâu xà vào các cửa hàng, tìm khách đánh giầy, bán báo, ào ào một lúc xong việc là biến mất như chim, chúng tỏa khắp nơi trong thành phố, đến những nhà ga, bến xe, công viên để kiếm sống. Riêng Công, nó chẳng đi đâu cả, chỉ ở lại góc phố xóm mình, kiên trì chờ đợi những khách hàng đến muộn, nhặt nhạnh phần công việc còn sót lại sau buổi sáng.
Dần dà người ta quen với sự có mặt của nó. Khi nhà bán giải khát nhờ kê lại cho cái bàn, lúc chị bán quần áo nhờ chuyển manocanh sang chỗ khác, tất tật cả hai chục kiot ai có việc vặt gì đều ới nó. Mọi người thấy nó ngoan, không đua đòi, bặm trợn như những trẻ bụi đời khác, nên mỗi lần nhờ việc gì đêu dúi cho nó ít tiền bồi dưỡng. Các anh, các chú cần đánh giầy chưa thấy nó cũng ráng chờ, giành việc cho nó. Có bà, có chị còn về nhà mang ra cả mớ giày cho nó đánh, khi thanh toán không lấy tiền thúi lại.
Công tính sởi lởi, hay la cà trò chuyện với mọi người, nên mỗi lần ra quán uống nước thấy Công là mình và nó lại chuyện trò. Quê tận Nam Định lên phố đánh giày, biết nhà hoàn cảnh, đói nghèo, nên nó luôn chăm chỉ kiếm tiền tích góp gửi về nhà phụ giúp bố mẹ.
Một bận hai bác cháu chuyện trò như thường lệ, Công thủ thỉ :
- Tuần sau cháu phải về quê để đi nghĩa vụ quân sự.
Mình sững người, chợt nhận ra nó đã lớn, mới thế mà đã sáu bảy năm trời, vậy mà vẫn quen nhìn nó như một chú bé. Và lạ, vì sao kẻ bụi đời lang thang như nó vẫn nhớ và ý thức được nghĩa vụ công dân của mình nhỉ ?
- Mấy năm nay cháu tích được 12 triệu, định lên đơn vị biếu xén, chạy chọt xin đi học lái xe có được không bác ?
Lái xe, để biết lái thì 12 triệu thời điểm đó có thể đủ tiền cho 3, 4 người lấy bằng ở các trung tâm dạy nghề, tại sao phải làm vậy ? Thằng này quẫn chăng ? Nhưng ngẫm kỹ mới lại thấy nó có lý của nó, bởi nếu đã được đào tạo ắt phải có nhu cầu. Người ta dạy nó lái xe không phải cho vui mà sẽ dùng, nó có việc làm. Một cửa hẹp thoát cảnh lang thang của đứa trẻ thất học như nó. Nhỏ nhoi với ai chứ với nó là ước vọng, là cơ hội đổi đời, là xuất phát điểm để trở thành người tử tế hơn trong mắt xã hội. Biết đâu đấy ! Bắt đầu từ lái xe, nếu khôn khéo và may mắn nó có thể thăng tiến.
Ai cũng có quyền hy vọng và hành động theo ước muốn của mình nhưng 12 triệu, liệu có đủ cho sự khởi đầu làm người "tử tế" được không ?
Thì ra Công cũng có cái ranh mãnh của mình, sống cùng đám bạn bụi đời đường phố, hàng ngày được nghe chuyện xã hội từ đủ loại khách, nó học và hành xử theo nhận thức của mình. Nó biết chuyện chạy chọt, đút lót hôm nay đã quá là bình thường. Quyền, Chức, bằng, danh hiệu đều có thể đạt được nhờ đồng tiền và sự ranh mãnh. Và để được làm anh lái xe tử tế phải chạy thôi.
Chẳng nỡ trách Công, bởi cách làm của nó phù hợp với thực trạng xã hội, chỉ thương nó còn lẫn lộn về sự tử tế và lo số tiền 12 triệu, cái ranh mãnh đường phố của nó chưa đủ...
- Bác khuyên mày nên đưa tiền về cho cha mẹ. Số tiền đó chưa đủ để giúp mày đâu, đừng phí !
Sau buổi đó bác cháu tôi không gặp nhau nữa, ai cũng biết nó về quê để thực hiện nghĩa vụ của một công dân đất Việt.