Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

TIẾNG XAY LÚA TRONG ĐÊM





Khi những cơn mưa đầu mùa ập đến cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị đi B. Trả phép ở ga Thường Tín, đơn vị đang chờ lên tàu vào Nam thì có lệnh quay về Tân Lạc ( nơi huấn luyện cũ ). Sự bất thường này gây bao đồn đoán trong đơn vị, đứa nói sẽ sang cao xạ, thằng bào về xe tăng, các tham mưu con thi nhau phán về số phận cánh lính trẻ chúng tôi.
            Một chiều, bên vệ đường 12B xuất hiên mấy chiếc xe tải bịt bạt, đại đội tập trung để chính trị viên điểm danh chia nhóm, tất cả đều lên xe. Đi đâu (?) chưa được biết, chỉ khi vén bạt nhìn những dãy nhà đổ nát ven đường mới biết đang đi về hướng Nam.
Mờ sáng xe dừng ở một làng nhỏ thuộc Yên Mô Ninh Bình. Ở đây, mới biết mình được bổ xung về F312B mới thành lập, đơn vị gồm học viên các trường sĩ quan tạm ngưng học, trở lại chiến trường chiến đấu.
            Chả là tăng hay pháo gì hết, ANH NUÔI đó là chức phận dành sẵn cho chúng tôi  thay cho những chiến sĩ nữ nuôi quân của trường sĩ quan lục quân. Đơn vị trang bị cho chúng tôi như một lính chiến trường, cơ số đạn ít hơn nhưng mỗi đứa phải cõng thêm hai cái nồi quân dụng đủ nấu cơm, canh cho cả trung đội hơn ba chục người.
           
Đơn vị vừa ăn dưỡng theo chế độ đi B vừa diễn tập trước lúc lên đường. Lũ anh nuôi tương lai được điều xuống bếp giúp chị em, tập làm quen việc bếp núc. Là phụ bếp thì trách nhiệm nhẹ nhàng hơn, chúng tôi làm ít mà tán dóc, chọc ghẹo nhau thì nhiều. Phía chị em cũng chẳng thắc mắc gì, nhặt rau, thái thịt lúc nào cũng kè bên anh lính trẻ mồn mép tán như gió cô nào chả vui. Tán nhau chán thì chúng tôi lang thang chơi với đám trẻ, đánh cờ với mấy cụ trong xóm, hết trò thì về ngủ. Còn gì hơn nữa khi thôn quê buồn vắng lặng, trai tráng kéo nhau ra trận hết, đàn bà con gái thì ở cả ngoài đồng, buồn lắm.
           
Ngày ấy, ba đứa lính mới chúng tôi cùng anh quản lý đại đội ở trong một nhà dân khá rộng nhưng neo người. Nhà chỉ có hai ông bà già và cô con dâu tên Xoan, nhìn ảnh treo trong nhà biết gia đình cũng còn chị hay anh gì nữa nhưng đều thoát ly cả, những ngày đóng quân ở đây chưa thấy ai về bao giờ. Hai cụ nhà cũng đã yếu nhiều, cả ngày chỉ nằm ở cái gian bên trái nhà, thi thoảng mới chống gậy ra hiên, ngồi thẫn thờ ngắm cây cối trong vườn và sưởi những hôm nắng ráo. Mọi việc trong nhà, tất tật đều một tay cô con dâu.

Mỗi bận ngoài đồng về nhà, thả cái cào cỏ hay cái cuốc bên bờ giếng, múc gầu nước rửa qua mặt mũi chân tay là Xoan lao vào bếp, lo cơm nước cho hai cụ. Khói rạ bốc lên từ căn bếp đặt ngang sân làm cảnh nhà đỡ quạnh hưu và ấm lại. Xếp mâm cơm, Xoan bê vào tận buồng cho hai cụ.Từ ngày chúng tôi đến, cả nhà nhường toàn bộ ba gian nhà giữa cho lính, người nhà chỉ ở hai buồng trái hai bên, hai cụ một bên, Xoan ở bên đối diện. Thường lo cho các cụ ăn xong, Xoan dọn dẹp rồi mới ăn một mình dưới bếp.Tôi để ý, có hôm chả thấy Xoan ăn gì, lo việc cho các cụ xong là tất tả ra đồng.
            Xoan còn trẻ lắm, chạc tuổi chúng tôi mười chín hai mươi, thế mà đã làm dâu hơn hai năm rồi. Chồng Xoan là lính, cô lấy chồng cũng là do gia đình sắp đặt, ở với nhau được vài hôm anh lại vào chiến trường, từ ngày anh đi chưa một lá thư về, biền biệt. Hai cụ chắc cũng vì mong và lo mà sức khỏe ngày càng yếu. Mỗi lần ngồi với chúng tôi cả hai cụ không nhắc tới anh nhưng luôn thở dài là hiểu, các cụ không nguôi nhớ con mình.
            Cũng có hôm rảnh rỗi, Xoan ngồi nơi hiên nhà tóc để xõa ra xòa trên đất. Cầm cái lược gỗ trên tay, Xoan mơ màng dõi theo đôi chim sâu nhỏ dắt nhau nhảy từ cành này sang cành khác, ríu rít. Nhìn nhánh hoa xoan ngoài vườn xót lại ủ rũ như báo mùa đông sắp về…  Biết bao mùa đông nữa để xuân đời về trong tâm người thiếu phụ trẻ, để…để…
            Mấy lính trẻ chúng tôi ra khỏi nhà thường mồm mép huyên thuyên, trọc ghẹo chẳng tha cô gái nào trong xóm nhưng với Xoan thì tuyệt nhiên không. Những lúc thấy Xoan ngồi một mình như thế, chúng tôi chỉ im lặng nhìn cô ấy từ xa.
            Thương cảm hay ngưỡng mộ … chẳng điều gì rõ nét nhưng cả lũ chúng tôi đều thừa nhận Xoan rất đẹp, cái đẹp mặn mà khỏe khoắn của cô gái thôn quê, suốt ngày ngoài đồng nắng gió vậy mà nước da vẫn trắng hồng. Mỗi lần có việc ở giếng, gặp Xoan về, tôi thường giúp Xoan kéo nước, dội cho Xoan rửa mặt, rửa tay. Tóc búi gọn, làn da nơi cổ trắng ngần, tóc mai bết nước dính vào má, vào gáy. Áo cánh nâu không cổ bó chặt lấy thân hình thon thả, chắc gọn, mùi hương đàn bà tỏa nồng làm tôi ngây ngất. Tôi cố kéo dài, chầm chậm, nhè nhẹ dội dòng nước mát lạnh lên đôi bàn tay căng hồng ấy, nghịch ngợm hất nhẹ mấy giọt nước lên lưng áo căng tròn, Xoan cũng mặc, ánh mắt như cười cười tươi tắn…
            Mấy ngày trước lúc lên đường, chúng tôi ngồi tán dóc, chuyện về Xoan ông nào cũng sôi nổi, tán ra tán vào thì có đứa bảo :” Đứa nào giỏi thì đêm vào phòng nàng mới đáng, ngồi mà tán suông làm đếch gì.” Qua lại kích bác nhau thế nào cả bọn thách tôi làm được chuyện đó sẽ chịu một chầu nhậu. Nhận lời, tôi thực sự thấy lo lắng, tính định tháo lui nhưng lại sĩ. Tôi kể với anh quản lý cứ nghĩ anh can, ai ngờ anh còn bảo:” mày làm được tao mất thêm chai rượu”. Hết đường, phải liều thôi.
            Trưa ấy, Xoan đang băm rau lợn, tôi lân la giúp soạn sẵn cho gọn những bó rau để Xoan băm cho nhanh. Mỗi lần đưa rau cho Xoan tay chúng tôi lại chạm vào nhau. Rồi tôi giữ chặt tay em, em để yên không phản ứng gì, tôi nói nhanh trong hơi thở:” tối anh vào buồng em đấy!”.  Xoan vẫn lặng im, chỉ con dao trên tay loáng loáng, dồn dập, nghiêng ngả…
            Cẩn thận hơn tôi còn xin anh quản lý một ít mỡ ( bảo quản súng) đợi lúc không có ai ở nhà, tôi bôi vào cái lỗ bản lề gỗ của cánh cửa để giảm tiếng kêu cót két mỗi lần đóng mở.
            Đêm khuya yên ắng, hai ông đồng hương ngủ say tít trong tiếng ngáy đều đều. Từ phòng Xoan hắt ra tia sáng mờ mờ, tôi lay anh quản lý rồi lẻn khỏi giường. Thực tình lúc ấy tôi quên chuyện thách đố và bữa nhậu mà chỉ lo có chuyện gì thì tai tiếng lắm, không dám nhìn hai cụ nữa mà còn bị kỷ luật.
            Sau tiếng ke..ẹt nhẹ, tôi lẻn vào phòng, tim đập thình thình khó tả. Xoan xoay nghiêng người nhìn tôi im lặng, ánh đèn mờ không dấu nổi ánh mắt long lanh rực sáng chĩa thẳng vào tôi. Tôi mạnh dạn lại giường ngồi xuống nắm lấy bàn tay Xoan, Xoan lặng im, mắt nhắm lại, một lát trấn tĩnh lại tôi nói nhỏ:”ngủ đi, anh ra đây.” Chưa dứt lời, Xoan đã chồm dậy ôm chầm lấy tôi, đôi cánh tay chắc lẳn, mịn màng xiết chặt khiến tôi nghẹn thở. Môi hai đứa dính chặt nhau cho đến khi buộc phải tách ra để thở…Tôi lại thì thào:” anh phải ra thôi.” Vòng tay như xiết chặt hơn, toàn thân Xoan rung lên từng đợt, từng đợt, mặt úp vào bờ vai tôi, nấc nhẹ. Gỡ cánh tay mềm mại, tôi đứng dậy lùi dần ra cửa, bóng Xoan ngồi bất động…
            Tôi nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh anh quản lý, anh hỏi câu gì đó nhưng tôi không trả lời. Anh bảo :” thôi ngủ đi”. Cả vạt áo trái ướt lạnh, khiến tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi ra hiên ngồi lặng trong đêm, đầu óc lung bung…
            Thoáng có tiếng keẹt nhẹ, tôi chẳng dám nhìn lên, vầng sáng tỏa tròn của ngọn đèn dầu chuyển xuống nhà ngang nơi bếp. Rồi tiếng ù ào, ù ào, bóng Xoan đổ nghiêng hắt ra sân, lay động theo nhịp của cối xay lúa. Người tôi run lên, nước mắt nhòa mặt…
Ù ào, ù ào tiếng xay lúa trong đêm của vợ người lính hòa trong tiếng sóng biển thét gào trong mùa biển động dội về …
            Hôm sau, chúng tôi lên đường vào mặt trận, đạị đội tập trung ở sân kho hợp tác, cả xóm già trẻ kéo nhau ra tiễn bộ đội. Tôi nhìn khắp, tìm Xoan mãi cho đến lúc đoàn quân đi, không thấy em ra.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

CHÁU NGOẠI













Khi không vừa ý thì mếu máo, năm nỉ.









Tươi cười hớn hở khi toại nguyện












Người lớn hay làm phiền quá và cháu đã biết bơi rồi nè.

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

CẢM NHẬN

Cuộc sống hôm nay cởi mở hơn nhưng cũng phức tạp đa chiều hơn. Anh em trường Trỗi chúng ta có hơn nghìn người thì cũng có nghìn lối nghĩ, quan niệm về nó, thế nào là chuẩn mực cho cuộc sống hôm nay, chắc khó có câu trả lời…
Có một người bạn hỏi tôi : “ Thằng Q lên tướng, mày có tự hào không ? ”. Tôi đã trả lời là không, nhưng tôi vẫn mừng cho nó, thì người bạn kia cho tôi là cố chấp hẹp hòi trước sự “ tiến bộ, thành đạt “ của bạn bè …Thật buồn ! Khi tôi không thể cùng ý nghĩ người khác được và chán luôn không muốn tranh luận để giải thoát cho mình cái "mũ" vừa được ban tặng. Nhân chuyện này tôi xin kể về một trong những người bạn lính.
***
Hắn trên tôi một khóa, ngày ở trường Trỗi tôi biết con người này vì Hắn ngổ ngáo có tiếng. Cuối 1975 từ chiến trường ra ôn thi đại học, tôi lại gặp Hắn. Cùng là lính Trỗi nên tôi và Hắn thân nhau rất tự nhiên. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng của lính Trỗi nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Hắn vẫn như xưa, vẫn nghịch ngợm nổi tiếng trong đám học viên con em cán bộ. Tôi thì ngược lại, cái danh hiệu Đảng viên làm tôi thuần hơn, ít trèo tường bỏ học hơn .
Gần một năm trời ôn thi tại Lạng Sơn, chúng tôi sống trong doanh trại như trong trại giam, chủ nhật một tiểu đội chỉ được 2 "vé" thay nhau ra chơi thị xã. Mỗi lần như thế để đi cùng với nhau, hắn thương cái thằng Đảng viên trong tôi nên đều nhường vé cho tôi, còn hắn thì đi theo “lối nhỏ”. Chuyện ra phố khó lắm, vệ binh nhà trường canh gác nghiêm ngặt, vậy mà chẳng ngày nào hắn và lũ em (Đám lính trẻ phổ thông) vắng mặt ở cái thị xã nhỏ này. Chẳng mấy ai không biết lũ chúng tôi, từ các cô mậu dịch viên xinh đẹp trong cửa hàng giải khát đến các bà bán chè chén vỉa hè..v.v. quan hệ của chúng tôi rộng lắm, ai cũng ngưỡng mộ đám lính quân hàm “sơ mít” con ông “cốp” nhất là các em gái Lạng Sơn.
Một lần tôi và hắn trèo tường trốn ra thị xã chơi buổi tối, khi chuẩn bị về hắn rủ tôi đến nhà một người quen.
_ Muộn rồi về thôi! Tôi giục hắn
_ Hôm nay tao có hẹn, muộn một chút, việc quái gì! Hắn động viên tôi. Mà Hắn vẫn thường xuyên đi về muộn như thế có mấy ai biết nên tôi cũng yên tâm và chiều ý hắn.
Chúng tôi đi vào một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên phố Kỳ Lừa. Từ khe cửa tôi thấy một cô bé tóc đuôi sam, má đỏ hồng đang học bài, khi chúng tôi vào cô bé mừng ra mặt, như đã chờ đợi từ lâu.
Xinh thật! Hắn quen từ bao giờ vậy (? ). Hóa ra bấy lâu nay tôi cứ tưởng mình biết rõ về Hắn. Vẫn biết Hắn quen nhiều cô gái trong thị xã này, có nhiều cô mê hắn như điếu đổ mỗi khi Hắn đàn hát, cái giọng khàn khàn rất quyến rũ . Riêng cô bé xinh đẹp này thì tôi không biết. Phải nói thật lúc bấy giờ nỗi lo bị kỷ luật tan biến hết. Tôi ngồi ngắm cô bé, cô bé nghe Hắn nói chuyện rồi thấy Hắn giảng cho cô bé một bài toán vật lý lớp 9.
Trên đường tôi bảo : " Mày giảng không hiệu quả đâu, tao thấy nó có nghe đâu mà mày cứ thao thao ...”
_ Tao biết, chính vì thế tao mới rủ mày đi. Hắn trả lời tôi như vậy đấy. Tôi hơi bực và lại bị bất ngờ vì chẳng bao giờ nghĩ Hắn lại tử tế đến thế .
- Nó thích, mày thích thì việc gì mà sợ, ngữ mày mà còn sợ mang tiếng “đểu” à. Tôi bật lại.
Hắn im lặng không cãi làm tôi ân hận. Suốt dọc đường về chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào, thậm chí lúc vượt tường thành cổ (Trường VHQĐ nằm trong thành cổ) chúng tôi làm những đông tác công kênh nhau cũng chẳng thằng nào mở mồm... Đêm ấy khi hai đứa chui vô màn thì thầy Đ bắt gặp nhưng hôm sau chẳng thấy thầy gọi lên, Hú vía!.
Mấy hôm sau tôi làm lành hỏi nhỏ “Không đi dạy nữa à?”. Hắn gật đầu xác nhận. Chẳng biết hắn nghĩ gì mà không đi nữa ? Còn tôi đa xlờ mờ nhận thấy trong con người ngỗ ngược ấy là một tâm hồn trong trắng, thánh thiện.
***
Lên Đại học KTQS tôi và hắn vẫn cùng một đại đội, các trò cũ lại tiếp tục và phát triển còn hơn cả ngày chúng tôi ở Lạng Sơn. Tuổi trẻ nhiều khi không biết điểm dừng cho đến khi nhìn lại …Cả nhóm chúng tôi bị kỷ luật nặng, hầu hết bị đưa đi rèn luyện một năm tại các đơn vị Hải quân. Riêng hắn do nhận hết tội về mình nên bị nặng nhất nhưng không ai nghĩ đến mức độ phải ở tù. Hôm xe quân pháp về, nhìn hắn bị còng tay mà tôi buồn lòng, bất lực …
Thời gian trôi đi, những chú lính nghịch ngợm sau một năm ra đảo cải tạo trở về tiếp tục học tập (tất nhiên là bị tăng khóa), rồi cũng ra trường và về các đơn vị. Cho đến hôm nay có chú đã là Trung tướng lãnh đạo một tổng cục quan trong trong QĐ, có chú ra ngoài làm bí thư một quận lớn ở HN, có chú là đại biểu khối doanh nghiệp trong QH…Hầu hết họ đều trưởng thành và tiến bộ nhanh chóng. Còn hắn, học hành dở dang không bằng cấp với một tiền án không biết hắn phải xoay sở ra sao để sống. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài anh em, họ nói có gặp anh K6 ở chỗ này, chỗ kia.
_ Anh ấy trông tiều tụy lắm... Mấy chú xót xa nói.
Không xót xa làm sao được, mấy chú em thành đạt giàu có, muốn giúp ông anh mà đành chịu, họ đều biết K6 là người khái tính. Còn tôi cũng buồn vì ngần ấy năm trời mà chưa tìm gặp hắn một lần trong lòng cứ nghĩ : chắc nó giận mình lắm..
Rồi tôi lại gặp Hắn sau hơn 20 năm từ cái ngày hắn bị bắt. Chúng tôi ngồi chuyện trò nơi quán bia hơi vỉa hè. Người gầy hơn xưa nhưng tính tình vẫn vậy có điều là trầm hơn do tuổi tác và sau những năm tháng lang bạt kỳ hồ. Hắn ít khi nói về mình nhưng tôi biết hơn 20 năm ấy hắn đi rất nhiều nơi, từ những bản làng heo hút vùng sơn cước ở Hà Giang, Lào Cai đến các chốn đô thị náo nhiệt của Sài Gòn, Hà Nội, rồi Lào, Căm Pu Chia, hắn làm đủ mọi nghề, quan hệ với đủ mọi loại người. Để kiếm sống hắn phải bươn chải với không biết bao nhiêu công việc, có thể đôi lúc có những việc không thiện.
Trong buổi bia chiều ấy Hắn bảo : " Cho mãi đến bây giờ, tao không thể quên được ánh mắt của mày nhìn tao khi bị tụi quân pháp nó còng tay ”. Tôi thực sự cảm động vì hình như hắn nhận thấy sự chia sẻ của tôi với Hắn trong lúc ê chề nhất của cuộc đời..
Biết Hắn vừa lấy vợ, vợ Hắn là cô gái một tỉnh biên giới phía Bắc, trong một gia đình nền nếp. Cô ấy là công chức kha khá của tỉnh. Mừng cho Hắn vì từ nay đã có bến đậu, nhưng cũng lo cho hắn về gia cảnh…Tôi biết với Hắn ở cái thị xã biên cương này, với bề dày lăn lộn của cuộc sống giang hồ Hắn không thiếu cách kiếm tiền nhưng liệu có hợp với cô vợ công chức kia không?
Chúng tôi vừa uống bia vừa nói đủ chuyện, vô tình chuyển qua chuyện tin học, thấy Hắn chăm chú có vẻ háo hức, tôi đề nghị tặng Hắn ít sách, Hắn ưng ngay. Tôi bỏ bàn bia chạy ngay về nhà, mang đến đưa Hắn. Đó là hai cuốn viết về Foxpro …
Sau buổi đó, chúng tôi thường điện thoại cho nhau, biết Hắn ngày càng say vi tính tôi cũng mừng nhưng tôi không ngờ bắt đầu từ hai cuốn sách đó Hắn lại chuyển hướng cuộc đời.
Khi tôi lên thăm Hắn thì thực sự choáng, mới chỉ một năm mà trên giá sách đầy kín sách vi tính. Quả là Hắn thông minh mới có thể vật lộn với mớ kiến thức phức tạp đó, mà cả sách tiếng Anh mới khiếp. Nếu nói là hắn siêu về tin học thì chưa đúng vì thế giới vi tình quá rộng lớn, nhưng nhiều người từng học đại học chuyên nghành này cũng chưa thể lấy đó làm phương tiện kiếm cơm được. Vậy mà Hắn thì ngược lại, từ việc nhỏ như các dịch vụ thông thường đến những hợp đồng lớn Hắn đã kiếm được không ít tiền. Một cuộc sống ổn định và hạnh phúc đã đến với Hắn.
Tao có công nhóm lại lửa cho mày đấy nhé! . Tôi đùa “kể công” tưởng chi là để vui vui với nhau mỗi lần gặp lại, vậy mà Hắn cám ơn, làm tôi ngỡ ngàng. Tôi làm gì được cho Hắn đâu ,chẳng qua cũng chỉ là chuyện chơi chơi tình cờ vậy. Ngồi bên tôi còn vài người bạn trẻ trong những năm khó khăn trước kia đã chia sẻ với Hắn nhiều lắm, đáng lẽ những lời cảm ơn ấy phải dành cho họ.
Nhưng tôi xúc động thật sự, không phải vì lời cảm ơn đã dành cho tôi mà vì ngần ấy năm trời, tôi mới nhận ra và hiểu người bạn mình. Tôi tự hào về hắn, cuộc sồng bao biến động đổi thay nhưng chất lính trong hắn không bao giờ thay đổi.

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Kỷ niệm Hoa Tóc Tiên

KỶ NIÊM HOA TÓC TIÊN

Một người bạn phương Nam gọi điện cho tôi, nói:” Nghe tin Phước Hòa ốm, mày đến thăm nó xem sao”. Buông điện thoại, tôi nhớ đến Hoa Tóc Tiên, loài hoa tôi chưa biết nhiều về nó.
Hoa Tóc Tiên, tên của bài hát tôi được nghe một lần duy nhất ở Quảng Trị, khi hai thằng bạn Trỗi K7 chúng tôi gặp nhau. Ngày đó, đơn vị tôi được lệnh chuyển vào Phong Điền, Thừa Thiên. Chúng tôi đi theo đường 15N, con đường nhánh nhỏ của hệ thống đường Trường Sơn theo trục Bắc Nam, chạy sát vùng giáp ranh giữa ta và địch. Đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn chỉ vừa một chiều xe đi, len qua phần đồi núi thấp phía đông Trường Sơn, ít đèo dốc hơn nhưng gần địch nên trên đường vào thỉnh thoảng vẫn gặp lính ta ở các đơn vị đang chốt giữ vùng giáp ranh.
Vượt qua con đèo dài, tới thung lũng Ba Lòng rất sớm khi nắng chiều còn gắt. Đơn vị nghỉ lại ở dải rừng thưa bên một dòng sông. Mới vào mùa khô nên nước sông nhiều, trong xanh và hiền hòa. Khúc sông này ở Thành cổ gọi Thạch Hãn còn trên rừng dòng nhỏ hơn, hai bên bờ nhiều đá, nhìn nó như một con suối lớn có tên Ba Lòng. Mắc võng sát bờ sông, tôi nhìn nhánh Trúc Đào vươn cành là là mặt nước, lại nhớ bóng liễu rủ bên Bờ Hồ, Hà Nội. Xa nhà mới tám tháng mà sao hôm nay nhớ quá…
Đang miên man nhớ Hà Nội, bỗng thấy một người lính lang thang dọc bờ sông, dáng nhàn nhã như đi dạo. Người lính lạ đến gần, tôi nhận ra Phước Hòa, thật khó tin ! Tôi nghĩ : mình đã rất may mắn mới gặp được bạn Trỗi trong này. Nghe tôi gọi, bạn cũng tròn mắt ngỡ ngàng.
Chúng tôi ngồi ngay mép nước bên bụi Trúc Đào trò chuyện. Dòng sông xanh mát như dòng Li Giang bên Trung Quốc ngày bé chúng tôi vẫn thường ra tắm mỗi chiều. Bao chuyện của Trỗi những ngày Quế Lâm, Trung Hà như vừa mới hôm qua. . . chuyện về các bạn mình, nghe nói lính Trỗi vừa rồi vào Quảng Trị nhiều lắm, khóa nào cũng có nhưng chúng tôi chẳng hề biết tin tức về nhau. Hồi tháng 9/72 tôi gặp Mạnh Thắng ở Quảng Bình trên đường hành quân, rồi mỗi thằng mỗi nẻo và bặt tin. Đến Bãi Hà gặp Đinh Sĩ Luyện bị thương, tay băng trắng trên đường ra viện, Luyện báo tin Y Hòa hy sinh, buồn quá ! Không biết ai còn, ai mất trong lính Trỗi chúng tôi sau một mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị..


Phươc Hòa mới vào Quảng Trị được ít hôm, thấy sông nước miền Trung lạ và đẹp, lọ mọ lang thang ngắm cảnh không ngờ lại gặp tôi. Lúc này mới biết bạn mình là lính cao xạ 37 li bảo vệ ga Thị Long ở Thanh Hóa, tháng 12/72 đơn vị kéo ra bảo vệ Hà Nội. Sau trận đánh B52 ở Hà Nội, được về phép vài ngày, bạn lại cùng trung đoàn vào gấp Quảng Trị. Trung đoàn 223 cao xạ của Phước Hòa nhập vào mặt trận B5 ( Trung đoàn có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm). Lính cao xạ có khác, chỉ vài ngày đã có mặt ở Quảng Trị, còn chúng tôi đi bộ rạc cẳng, mấy tháng trời mới vào tới nơi. Bởi thế gặp nhau là hỏi Phước Hòa nhiều chuyện về Hà Nội, về Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ… bị B52 rải thảm thế nào, trong này chúng tôi nghe tang thương lắm. Chuyện những người bạn cũ ở Hà Nội giờ ra sao v.v.. Vẫn nhớ Phước Hòa có một cô bạn gái cùng lớp xinh lắm. Tôi gặp một lần khi bạn và cô ấy đến chào mấy người bạn Trỗi trước ngày đi lính. Khi hỏi Phước Hòa về cô bạn gái xưa …
Bạn lặng im không nói… Không khí trầm lại, tôi biết mình đã lỡ, nhưng sao lại thế? Lính Trỗi vốn “nhát” gái, nhưng đã yêu thì chân thành sâu sắc và cũng sẽ đau đớn nhiều khi tình yêu tan vỡ. Ngày ấy đám Trỗi nhìn họ thật ngưỡng mộ, khao khát những tưởng rằng Phước Hòa sẽ là thằng hạnh phúc nhất. Mối tình đẹp vậy! Không lẽ ngắn ngủi thế sao ? Tôi không dám hỏi gì thêm nữa.
Phước Hòa lặng lẽ bứt từng lá trúc đào thả xuống lòng sông, lá dập dềnh trôi theo làn nước xa mãi. Chợt bạn quay sang hỏi : ở đây có đàn không ?. Thật may, đơn vị tôi có nhiều anh em Hà Nội, nhiều người biết ghi ta, trình độ chỉ cỡ bập bùng “cơm nguội “ nhưng đàn lúc nào cũng có.
Chỉnh lướt dây đàn cho đúng lại, bạn hát. Tôi nhìn ra phía dòng sông lắng nghe từng lời hát. Giọng trầm buồn cùng âm thanh của cây đàn gỗ lan toa trên mặt sông vắng lặng, len giữa rừng thưa đến từng cánh võng. Anh em trong đơn vị ngồi cả dậy, lặng nghe. Bài hát lạ, tôi chưa từng nghe, nhưng buồn làm sao, cái buồn của người lính nơi xa, của mất mát…Lời hát không trách cứ ai nhưng âm thầm cô quạnh, day dứt…

…Dù rằng đến cuối đời, bên khói hương lúc khóc người yêu tôi, tôi đã yêu suốt một thời …

Ngưng hát, Phước Hòa kể cho tôi nghe về Hoa Tóc Tiên _ tên bài hát. Loài hoa chỉ nở khi đến mùa giông bão, loài hoa đẹp nhưng yếu ớt mong manh như tình yêu trong chiến tranh vậy.
Một người, rồi hai người trong đơn vị tôi lặng lẽ đến, lấy cớ mượn cái điếu, hút xong rồi ngồi cả lại, lính Hà Nội với nhau cả mà. Biết mọi người muốn nghe Phước Hòa hát, tôi nhìn bạn thỉnh cầu khích lệ. Chiều ý mọi người, Phước Hòa lại hát. Tiếng hát, tiếng rít thuốc lào của đám lính trẻ vọng lan cả cánh rừng suốt đến chiều tối. Bài hát chia tay, Phước Hòa hát có tên “ Gặp nắng trên đường mùa đông ”, cũng là một bài hát của bạn, mới viết sau ngày Hà Nội ngừng tiếng bom, sau một mối tình tan vỡ, viết trên đường hành quân vào Quảng Trị.                                                                                       

Đêm ấy tôi thao thức không sao ngủ được, vui được gặp bạn, buồn vì chuyện bạn.. .lặng nghe dòng sông chảy, tôi cứ miên man nghĩ về những người bạn lính của mình. Người đã ngã xuống khi vừa tròn 18 như Y Hòa, người bị thương bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trận đẫm máu như Luyện và hôm nay một người bạn nữa, tiếp tục lên đường vào mặt trận vẫn mang theo nỗi đau mất mát của mối tình đầu. Hoa Tóc Tiên ấy, sao lại có nó nhỉ? Hoa đẹp thế nhưng thứ Hoa này không dành cho lính?
Tôi nhớ câu thơ của ai đó: Chiến tranh là chồng chồng nỗi đau se thắt. Nỗi đau làm ta đông cứng khi ngoải nhìn, nhớ lại...
Tôi tin bạn mình, người lính sẽ vượt qua nỗi đau này. Bài hát cuối cùng lúc chia tay “ Gặp nắng trên đường mùa đông” ấy, tôi đã lờ mờ nhận ra, dù còn buồn nhưng mạnh mẽ làm sao. Năm đó mùa đông lạnh lắm, phải chăng cái nắng từ phương Nam đang sưởi ấm trái tim người đồng đội của tôi trên đường tiến ra mặt trận (?)
Sau cuộc gặp ấy, chúng tôi không còn gặp lại, nhưng tôi và Phước Hòa vẫn bên nhau trong các trận đánh ở Phong Sơn, sông Bồ trong chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng năm 1975. . .Ngày đánh trận Phổ Lại, đơn vị tôi được tăng cường một đại đội cao xạ 37li. Lính cao xạ hạ nòng cùng bộ binh chúng tôi đánh các điểm cao, khi có máy bay họ lại bảo vệ chúng tôi. Trong một tình huống buộc phải nổ súng, khi trên đầu chúng tôi đang có máy bay trinh sát OV10 của địch. Trận địa bị lộ, pháo khói chỉ điểm vừa bắn vào trận địa đã thấy một chiếc A37 bổ nhào vào chúng tôi. Loạt bom đầu chúng tôi chỉ kịp chui vào hầm. Khi máy bay lượn lên chuẩn bị cho đợt bổ nhào tiếp theo, chúng tôi được lệnh rời trận địa. Chúng tôi chạy thật nhanh, càng xa trận địa càng tốt. Khi chạy, tôi nghe nhiều tiếng nổ đầu nòng “thùng thùng” xung quanh dưới mặt đất, trên trời ran dài những tiếng lục bục, tôi biết cao xạ mình lên tiếng. Chiếc A37 không dám xà xuống nữa, cắt loạt bom vu vơ rồi bỏ chạy. Hết máy bay chạy trở lại, trận địa còn nguyên vẹn, bom địch bị hất ra xa. Cảm ơn lính cao xạ…Khi nghe Phước Hòa kể chuyện vượt sông Bồ vào Huế, mới biết bạn ở chính cái đơn vị tăng cường cho chúng tôi ngày đó.


Hôm nay đến thăm bạn, ngồi trong căn hộ bình dị của Phước Hòa, hai đứa lật trở về quá khứ, nhớ lại những ngày ở Trị Thiên mà bồi hồi xúc động. Lại chuyện Quế lâm-Hưng Hóa, lại chuyện Thạch Hãn-Sông Bồ, ký ức cứ nối dài. Chuyện Hoa Tóc Tiên, nỗi đau riêng của người lính chẳng đáng gì với những người đã ngã xuống hôm qua, với những bà mẹ mấy chục năm nay vẫn ra cổng làng ngóng con về và hàng triệu những đóa hoa tươi ngày chiến thắng không có người nhận. Trên bàn làm việc là tấm hình Hoa Tóc Tiên của bạn chụp, thật đẹp vẫn thấy màu tím trong sắc hoa, vậy mà đã có lúc chúng tôi không tin có nó…


Câu chuyện nhỏ về Phước Hòa cũng là một trong những nỗi buồn chiến tranh mà người lính phải lãnh nhận, gánh chịu. Bạn tôi đã vượt qua được hoàn cảnh để tiếp tục lên đường vào mặt trận, bi quá nhưng cũng là thường như bao người lính trận khác. Tôi đã đọc nhiều câu chuyện về chiến tranh, chưa thấy ai viết về lính thất tình ra trận như bạn tôi ngày ấy. Phải chăng khi ấy người ta không muốn làm nản lòng chiến sĩ...
Chuyện cũ đã qua lâu rồi. Bên Phước Hòa hôm nay là một gia đình hạnh phúc, là người vợ rất yêu lính và hai đứa con trưởng thành, năng động. Thăm gia đình Phước Hòa cũng là thăm hai người bạn cũ, Vợ Phước Hòa, Tân Hương vốn là bạn cùng lớp phổ thông với tôi. Chúc hai bạn thêm khỏe và hạnh phúc, sớm có cháu nội, ngoại để vui vầy bên chúng, để còn kể cho chúng nghe về Hoa Tóc Tiên xưa và nay.
( Quảng Trị 3/1973_Hà Nội 20/12/2008 )