Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Một thoáng hồn Nga.

Ăngkovat tấp nập du khách, Tây , Tàu, Hàn, Nhật đủ cả. Tuy nhiên sự đông đúc chỉ ở những trục đường chính trong khu di tích, còn toả sâu vào các ngóc ngách của khu đền lại vắng lặng, thưa thớt du khách qua lại. Càngchứng tỏ cái mênh mông vĩ đại của Ăng kovat…
Ở một góc vắng lặng thoáng thấy một bóng hồng hiện sau ô cửa đá cổ kính hình tháp. Cô gái ngồi, trên tay là một quyển sách, hiếm hoi lắm ở chốn này…Ai mà biết cuốn sách trên tay cô gái là gì và làm sao có thể đọc được quanh mình là những đền đài vĩ đại chứa ẩn bao điều của lịch sử của nhân loại.
Mấy ông bạn cùng đi có “ súng bắn trộn nòng dài “ chĩa cả về phía ô cửa, hẳn phải họ cũng nhận thấy điều gì đặc biệt, còn đặc biệt thế nào thì là cách nghĩ riêng của họ.
Dẫu sao cũng làm ta gợi nhớ đến một thời, cái thời lãng mạn trong trắng như trong tiểu thuyết của Stekhop, Tuôcgienhiep….
Cô gái ngồi đọc sách trong đền Ăng Kovat . Nghe rất lãng mạn, rất hình. Cô gái đọc hay không đọc đâu cần biết, nhưng có về mặt hình ảnh cô ta đã thành công. Không tin các bác cứ hỏi Trung sỹ 1…
Lại nữa, trong một góc khác của khu di tích bỗng nghe du dương bài Chiều Mátcơva :
……….
А рассвет уже всё заметнее
Так, пожалуйста, будь добра!
Hе забудь и ты эти летние
Подмосковные вечера!
Hе забудь и ты эти летние
Подмосковные вечера!
Giọng ấm, nghe quen quen, nhìn lại thì ra Trung sỹ 1 nhà ta đang nghêu ngao. Tại sao lại hát bài hát này ở đây ? Rồi thấy hai nữ du khách Tây, một già, một trẻ ( Chắc là hai mẹ con ) rất đôn hậu, chợt hiểu vì sao hắn cất lời hát đó.
Bưu Ryskaia ?
Đa !
Kak bac zabyt ?
Zienhia.
Menhia zabyt Tung.
…..
Trung sy 1 và cô gái Nga còn đối thoại vài câu nữa, phải công nhận thằng cha này bật nhanh và còn nhớ kha khá tiếng Nga. Kết quả là cô gái đồng ý chụp ảnh với hắn. Tiếc là vốn tiếng Nga của hắn không có giá trị gì khi kêu món ăn buổi trưa.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH K


Năm 1988, 1989 năm nào tôi cũng có một lần đi Campuchia, ngày ấy người ta thường gọi là đi K vì Campuchia khi ấy vẫn còn là chiến trường. Không hộ chiếu, chỉ cần tờ giấy công tác là đủ thủ tục và cả hai lần đều chỉ đến Phnompenh ít ngày, bù đầu vào công việc rồi về, với tôi kể như chưa biết gì về đất nước này.
Chuyến đi K này thật nhiều kỳ vọng. Tất nhiên là sẽ thăm những thắng cảnh nổi tiếng của đất nước chùa tháp này, một dịp biết thêm đất, người Khơme láng riềng của chúng ta. Lần này đi cùng các CCB K trở lại chiến trường xưa lại càng đặc biệt, sẽ cùng anh em tìm lần lại dấu ấn một thời trai trẻ mà đến hôm nay vẫn hằn trong ký ức mỗi người, những người lính tình nguyện Việt nam. Vậy đây là một tua du lịch khác thường, sẽ đến những nơi du khách thường chẳng bao giờ đến nên gọi nó là “đi K” như năm nào lính ta vẫn gọi, cho ngắn gọn và đúng nghĩa.

Trung sỹ 1, Dksaigon và CănC1 là những người khởi xướng chuyến đi này, Dksaigon thì đã có một lần trở lại trước đó không lâu, với Trung sỹ 1 và CănC1 thì đã gần 30 năm nay kể từ khi họ trở về đời thường, hôm nay là lần đầu trở lại.Về lại chiến trường xưa, trở lại thời trai trẻ, thời bi hùng của chiến trận người lính nào chẳng có nỗi niềm.
Hai người lính tiểu đoàn 4 trung đoàn 2 sư 9 này có lẽ cùng tâm trạng là mong ngóng, có phần sốt ruột hơn các thành viên khác nhưng biểu hiện mỗi người mỗi khác bởi họ là hai tính cách, thoáng qua có cảm giác trái ngược nhưng sao lại thân thiết, gắn bó như anh em.
Máu lãng tử thường ngày của lão Nhất (Trung sỹ 1) hôm nay khi bốc khi xịt, thất thường, cười phe phé đấy rồi lặng lại ưu tư. Qua khỏi biên giới, xe dừng mua nước, rượu và nhang xong là lão tót lên ghế trước cạnh bác tài. Có lẽ để quan sát ghi nhận, để không bỏ sót điều gì trên con đường gã đã từng qua 32 năm trước.

Lão CănC1 lẳng lặng chui xuống cuối xe, chấn một góc trong cùng, giật xụp cái mũ xuống lim dim như đang ngủ, mặc ai nói, ai cười, không cãi vã tranh luận. Coi như kẻ đi cuối hàng quân, lâu lâu hất mũ lên hắn kể một câu chuyện của đơn vị.
Chuyện về tay X người Quảng Ninh đánh nhau cũng tạm nhưng vua lười. Ngày ấy C1 đóng trong một Phun, ngoài phun có nhiều vụng nước đọng. Đầu mùa khô, gặp nắng gắt các vụng nước sủi tăm liên tục. Lính ta biết là nhiều cua, hô nhau đi bắt. Lão lười không muốn đi nói với anh em : “ Ăn cua bạc máu, tao không ăn “. Ai cũng tưởng thế nên tha không bắt lão đi.
Khi anh em mang cua về, đầy một xoong 8, nghe tiếng cua bò rộn rạo lão đến ngó một lúc rồi biết đi đâu không ai biết. Lúc sau quay về xách trên tay mấy quả mướp, hắn bảo :” Cho tao gửi mấy quả mướp “
Chậc chậc, cái chuyện gửi mướp vào nồi canh cua của lính đoàn Đông Xoài nghe thấy nực cười. Cả xe rộ lên bình câu chuyện thì lão lại kéo mũ xuống lim dim, không biết ngủ hay thức.
Nghỉ ăn trưa tại Svayrieng. Trong lúc lão Nhất, Dksaigon và SaiGongau trổ tài ngoại ngữ, thứ ngôn ngữ pha trộn tiếng Miên, tiếng Anh, tiếng Việt cộng thêm các ngữ điệu bằng tay để đặt món thì lão CănC1 mò ra nghế đá một mình trầm tư nhìn ra phía trước xa xa, nơi có một con mương dẫn nước lớn, không biết có phải là “ Bờ tường ủi “ mà lính K vẫn thường nhắc không nhỉ (?). Chỉ biết cửa ngõ vào Svayrieng này, e2 của lão có một trận đánh và lão bị thương ở đây.
Sau một hồi các phiên dịch viên làm việc, cuối cùng cũng gọi được các món ăn khá hợp khẩu vị: Gà luộc, trạch chiên dòn chấm mắn me, trứng rán,...kèm thêm món hến trần muối ớt phơi năng mua trên đường ở Chiphu làm mồi cho mấy bợm nhậu.